LỊCH SỬ ÁO CHOÀNG XÉT XỬ CỦA THẨM PHÁN

Trong lịch sử tố tụng Việt Nam, quy địnhvề trang phục của Thẩm phán đã được đề cập từ rất sớm. Ngày 14/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành sắc lệnh số 13 quy định y phục của Thẩm phán tòa thượng thẩm và tòa đệ nhị cấp là áo choàng dài đen tay rộng.

Tuy nhiên sau đó, đến năm 1950 thì quy định Thẩm phán mặc áo choàng đen tay rộng khi xét xử đã không còn được thực hiện nữa.

Thời gian sau đó, vấn đề trang phục của Thẩm phán không được quy định cụ thể. Sau đó Thẩm phán được quy định mặc áo sơmi trắng thắt cà vạt, bên ngoài là áo vest.

Để nâng cao vị thế, vai trò của Thẩm phán, ngày 03/10/2017, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 210/QĐ-TANDTC quy định về trang phục xét xử của Thẩm phán là áo choàng dài tay.

Đồng thời, việc đổi mới trang phục của Thẩm phán đảm bảo sự hội nhập quốc tế, bởi lẽ hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có trang phục riêng đặc thù cho đội ngũ thẩm phán khi xét xử.

Vậy áo choàng xét xử của Thẩm phán có từ khi nào? Chúng ta cùng ngược dòng lịch sử để tìm hiểu thêm:

Thẩm phán mặc áo choàng khi xét xử xuất phát từ nước Anh. Khi thực dân châu Âu, chủ yếu là từ nước Anh bắt đầu đi đến xâm chiếm các vùng lãnh thổ của người bản địa châu Mỹ và xây dựng 13 thuộc địa của nước Anh ở Bắc Mỹ vào thế kỷ 17, 18. Các thuộc địa này thịnh vượng và phát triển nhanh chóng, phát triển các hệ thống pháp lý mang tính chất như nền tư pháp ở Anh. Ngày 4/7/1976, các thuộc địa tuyên bố độc lập khỏi Vương quốc Anh và trở thành Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Khi Mỹ tuyên bố độc lập khỏi Anh vào ănm 1776, các nhà lập quốc Mỹ vẫn dựa trên thông luật Anh để xây dựng hệ thống tư pháp, trong đó bao gồm cả trang phục xét xử của Thẩm phán.

Việc thẩm phán Mỹ mặc áo choàng được tiếp nhận từ Anh, vậy truyền thống mặc áo choàng của thẩm phán Anh xuất phát từ đâu? Câu hỏi này vẫn còn được nhiều sử gia tranh cãi. Một số người tin rằng có nguồn gốc từ giáo hội, khi giới tăng lữ và Tòa án là một (những người thuộc tầng lớp thống trị trong xã hội). Một số người lại cho rằng áo choàng thẩm phán được phát triển từ áo toga của người La Mã cổ đại.

Theo Judicial Attire, Thẩm phán ở Anh bắt đầu mặc áo choàng dưới thời vua Edward II (trị vì từ năm 1327 đến 1377). Khi ấy, áo choàng thường là đồng phục của giới hàn lâm, học giả hoặc của người liên quan tới triều đình nên  việc để những người nắm chức vị cao như Thẩm phán mặc áo choàng cũng là điều hợp lý. Trong quá trình này, áo choàng Thẩm phán có ba màu: màu tím mặc vào mùa hè, màu xanh lá mặc vào mùa đông và màu đỏ tươi mặc vào những dịp trọng đại.

Đến năm 1635, quy tắc trang phục này lại thay đổi, Thẩm phán phải mặc áo choàng đen vào mùa đông, áo tím và đỏ tươi vào mùa hè. Do quy tắc mới, áo choàng đen bắt đàu phổ biến ở Anh trong nửa đàu thế kỷ 17.

Ngày nay, áo choàng được một số nền tư pháp và Thẩm phán trên thế giới xem là biểu tượng của sự công tâm. Việc mọi Thẩm phán đều mặc trang phục áo choàng giản dị nhưng uy nghiêm sẽ giúp Tòa án toát lên vẻ trung lập và thống nhất.

Đối với Sandra O’Connor – nữ Thẩm phán tối cao đầu tiên của Mỹ và bà Ruth Bader Ginsburg – nữ Thẩm phán tối cao thứ hai của Mỹ, chiếc áo choàng đen còn là biểu tượng cho thấy mọi thẩm phán có trách nhiệm chung là bảo vệ Hiến pháp và pháp quyền.

Bà Ruth Bader Ginsburg – nữ Thẩm phán có thời gian phục vụ lâu nhất tại Tòa án Tối cao Mỹ. Bà luôn đấu tranh không mệt mỏi cho nữ quyền, công lý và được rất nhiều người dân Mỹ và trên thế giới ngưỡng mộ.

 

Người viết: Võ Thị Minh Phượng – Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Duy Xuyên.

(Bài viết có sử dụng một số tài liệu của Wikipedia tiếng Việt).

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thời điểm thực hiện quyền phản tố của bị đơn, những vướng mắc trong quá trình áp dụng.

1. Quy định của pháp luật: Theo quy định tại Điều 72 Bộ luật tố …

X