LỊCH SỬ HÌNH THÀNH CHẾ ĐỊNH HỘI THẨM NHÂN DÂN

Ngày 18/6/2021; Hội đồng nhân dân huyện Duy Xuyên đã ban hành Nghị
quyết về việc xác nhận kết quả bầu chức danh Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân
dân huyện Duy Xuyên khóa XII, nhiệm kỳ 2021-2026. Vậy Hội thẩm nhân dân
là ai? Họ tham gia xét xử với mục đích gì và chế định Hội thẩm nhân dân hình
thành từ khi nào?
Trước năm 1945, Pháp đặt nền cai trị thuộc địa tại khu vực Đông Dương,
trong đó có Việt Nam. Trong bộ máy cai trị của thực dân Pháp vẫn có Tòa án
nhưng mục đích để làm công cụ đắc lực cho thực dân Pháp dặt ách đô hộ. Tòa
án dưới thời thực dân Pháp có cơ cấu gồm: Tham biện, Thừa biện và Sở lục bộ.
Như vậy trong cơ cấu tổ chức của Tòa án thời Pháp thuộc, không có sự tham gia
của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ xét xử.
Năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã
đứng lên giành lại chính quyền từ tay thực dân Pháp. Sau khi nước nhà độc lập,
Đảng và nhân dân ta đã từng bước xây dựng chính quyền dân chủ cách mạng.
Ngày 13-9-1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra Sắc lệnh
số 33 thiết lập các Toà án quân sự. Ngày 24-1-1946 Chủ tịch Chính phủ lâm thời
Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra Sắc lệnh số 13 về tổ chức các Toà án và các
ngạch Thẩm phán. Đây là Sắc lệnh đầu tiên quy định một cách đầy đủ tổ chức
giải quyết các tranh chấp, xử phạt các việc vi cảnh ở cơ sở cũng như tổ chức các
Toà án và quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của các ngạch Thẩm phán;
Theo quy định ở Điều 7 thì “ở mỗi quận (phủ, huyện, châu) có một Toà án
sơ cấp, quản hạt là địa hạt quận. Nếu cần một Nghị định của Bộ trưởng Bộ Tư
pháp có thể thay đổi quản hạt được”. Toà án sơ cấp gồm có: một Thẩm phán,
một lục sự và một hay nhiều Thư ký giúp việc.
Sắc lệnh cũng quy định “ở mỗi tỉnh và ở các thành phố Hà Nội, Hải Phòng
và Sài Gòn – Chợ Lớn có một Toà án đệ nhị cấp”. Về tổ chức trong một Toà án,
thì Toà án đệ nhị cấp gồm có một Chánh án, một biện lý, một dự thẩm, một
chánh lục sự và những thư ký giúp việc.
Khi xét xử về dân sự, thương sự, Chánh án xử một mình. Khi xét xử các
việc tiểu hình, phải có thêm hai viên phụ thẩm nhân dân góp ý kiến. (Điều 17).
Về cách thức lập danh sách các Phụ thẩm được quy định như sau:
Danh sách các Phụ thẩm nhân dân, do Uỷ ban hành chính tỉnh hay thành
phố lập vào hồi đầu năm, gồm tất cả các hội viên chính thức và dự khuyết của
Hội đồng nhân dân tỉnh hay thành phố, trừ các uỷ viên hành chính và các hội
viên nào làm thẩm phán hay luật sư; và nếu cần, sẽ thêm từ 10 đến 30 Phụ thẩm
nữa do Uỷ ban hành chính chọn trong những người ở tỉnh hay thành phố mà có
đủ điều kiện để được ứng cử vào Hội đồng nhân dân.
Danh sách số Phụ thẩm thêm này phải tư sang ông Biện lý để hỏi ý kiến rồi
đệ lên Hội đồng nhân dân tỉnh hay thành phố duyệt y. (Điều 18)
Theo quy định tại Điều 20, thì không thể cùng làm phụ thẩm trong một Toà
án “các người thân thuộc hay thích thuộc với nhau cho đến bậc thứ ba, các người
thân thuộc hay thích thuộc với các Thẩm phán hoặc với các người đương sự cho

đến bậc thứ ba”và “không ai có thể làm phụ thẩm trong một việc mà mình là
người đương sự hoặc đã điều tra, hoặc đã làm chứng hay làm giám định” (Điều
21).
Sắc lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của phụ thẩm nhân dân rất cụ thể,
họ “có bổn phận là lấy trí sáng suốt và lương tâm ngay thẳng ra xét mọi việc rồi
phát biểu ý kiến một cách công bằng không vì nể, vì sợ một thế lực nào, vì lợi
ích riêng hay tư thù mà bênh vực ai hay làm hại ai. Các phụ thẩm nhân dân phải
giữ kín các điều bàn bạc trong lúc nghị án. Nếu tiết lộ bí mật ấy ra sẽ bị Toà
thượng thẩm phạt từ sáu tháng đến hai năm tù”.
Đối với các việc đại hình, khi xét xử Toà đệ nhị cấp gồm có năm người
cùng ngồi xử và đều có quyền quyết nghị; đó là: Chánh án Toà đệ nhị cấp ngồi
ghế Chánh án (Chủ toạ phiên toà); hai Thẩm phán làm phụ thẩm chuyên môn
được chọn trong các Thẩm phán của Toà án đệ nhị cấp hay của Toà án sơ cấp
trong quản hạt, do ông Chánh án Toà thượng thẩm chỉ định mỗi năm một lần.
Tuy nhiên, trong năm, ông Chánh án có thể quyết định việc thay đổi hai vị phụ
thẩm chuyên môn; hai phụ thẩm nhân dân được chọn bằng cách rút thăm ở danh
sách các phụ thẩm nhân dân do Uỷ ban hành chính tỉnh hay thành phố lập vào
hồi đầu năm.
Từ những quy định trên cho thấy, phụ thẩm nhân dân của Tòa án đệ nhị cấp
theo quy định tại Điều 18 của Sắc lệnh cũng chính là tiền thân của chế định Hội
thẩm nhân dân ngày nay. Họ là những người được lựa chọn trong các hội viên
của Hội đồng nhân dân tỉnh, cũng chính là đại diện của nhân dân tham gia vào
quá trình xét xử. Để đảm bảo tính công bằng, khách quan thì Phụ thẩm nhân dân
khi tham gia xét xử các vụ án đại hình, tiểu hình không có mối quan hệ họ hàng,
thân thuộc với các Thẩm phán hoặc với đương sự. Quy định này thể hiện rõ
quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc “lấy dân làm gốc”, thể hiện tính
dân chủ trong hoạt động xét xử.
Người viết: Võ Thị Minh Phượng – Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện
Duy Xuyên.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thời điểm thực hiện quyền phản tố của bị đơn, những vướng mắc trong quá trình áp dụng.

1. Quy định của pháp luật: Theo quy định tại Điều 72 Bộ luật tố …

X