Ông Huỳnh Tấn Long – Chánh án Tòa án nhân dân huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam được vinh danh Thẩm phán Tiêu biểu năm 2014

Tốt nghiệp đại học, ông Huỳnh Tấn Long được tuyển dụng vào công tác tại Tòa án nhân dân huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam năm 1989; với tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc, ông đã được bổ nhiệm Thẩm phán vào tháng 10/1994; là con người luôn chịu khó học hỏi, không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị tốt, năng lực chuyên môn cao, Thẩm phán Huỳnh Tấn Long được bổ nhiệm chức vụ Phó Chánh án vào tháng 9/1999, rồi Chánh án Tòa án nhân dân huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam vào tháng 6/2004.

Cho đến nay, Thẩm phán Huỳnh Tấn Long đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề xét xử; với vai trò là Chánh án có nhiệm vụ quản lý, điều hành hoạt động xét xử trong toàn đơn vị, ông đã luôn thường xuyên quán triệt, triển khai nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, văn bản hướng dẫn của Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về tăng cường quản lý cán bộ, thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm công tác của Tòa án nhân dân, các chỉ tiêu nhiệm vụ chuyên môn, các phong trào thi đua do cấp trên và địa phương phát động; thường xuyên cải tiến phương pháp quản lý điều hành, xây dựng kế hoạch thi đua, kế hoạch hoạt động hàng năm; tăng cường đổi mới các biện pháp, giải pháp trong công tác quản lý, điều hành nói chung và hoạt động xét xử nói riêng nhằm xây dựng nề nếp trong đơn vị, nâng cao chất lượng xét xử, kỹ năng điều khiển phiên tòa cho Thẩm phán. Trong 5 năm từ (2009-2013), toàn đơn vị Tòa án nhân dân huyện Duy Xuyên đã thụ lý và giải quyết được 1432/1436 vụ án các loại (đạt tỷ lệ 99,7%); đơn vị do ông Long lãnh đạo liên tục được công nhận là “Tập thể Lao động xuất sắc”, được Tòa án nhân dân tối cao và Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam tặng thưởng nhiều “Cờ thi đua xuất sắc” và “Bằng khen”, được Chủ tịch nước tặng thưởng “Huân chương Lao động hạng nhì” năm 2008, hiện đang đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng “Huân chương Lao động hạng nhất” năm 2014.

Ông Huỳnh Tấn Long – Chánh án Tòa án nhân dân huyện Duy Xuyên

Ngoài công tác quản lý đơn vị, Thẩm phán Huỳnh Tấn Long còn tham gia giải quyết, xét xử 1188 vụ, việc các loại. Tất cả các vụ án ông giải quyết đều đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của đương sự, không để xảy ra sai sót; trong số án ông đã giải quyết, không vụ án nào bị hủy do lỗi chủ quan của Thẩm phán.

Trong giải quyết án hình sự, khi nghiên cứu hồ sơ ông Long đặc biệt chú trọng việc kiểm tra trình tự, thủ tục tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng về căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can; trong việc bắt, hỏi cung, tạm giam, tạm giữ, thu giữ vật chứng, khám nghiệm hiện trường; đồng thời, nghiên cứu kỹ nội dung vụ án bằng cách đọc tất cả các biên bản, nhất là các biên bản bắt người phạm tội quả tang, lấy lời khai bị cáo, bị hại, người làm chứng, biên bản hiện trường, thu giữ vật chứng… đối chiếu tất cả những lời khai này với các tài liệu chứng cứ khác, cần xem xét kỹ chứng cứ buộc tội. Ông Long chia sẻ nếu nắm vững nội dung vụ án, ý kiến của những người tham gia tố tụng và các chứng cứ khác trong vụ án, sẽ phát hiện oan sai ngay trong giai đoạn nghiên cứu hồ sơ và sẽ dễ dàng phát hiện và xử lý tại phiên tòa nếu có chứng cứ khác mâu thuẫn với chứng cứ trong hồ sơ vụ án. Kiên quyết trả hồ sơ để điều tra bổ sung nếu phát hiện việc điều tra có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hoặc thiếu chứng cứ buộc tội. Đối với việc giải quyết các loại án tranh chấp, khả năng dẫn đến sai sót trong việc giải quyết các loại án này là rất cao; vì vậy, cần chú trọng làm tốt khâu thụ lý đơn, xem xét kỹ nội dung yêu cầu của đương sự; yêu cầu các đương sự làm rõ nội dung yêu cầu và cung cấp chứng cứ để chứng minh; các loại án tranh chấp thường là đa dạng, mối quan hệ pháp luật phức tạp, thậm chí trong cùng quan hệ pháp luật thì yêu cầu nội dung đơn khởi kiện cũng khác nhau, chứng cứ cần cung cấp cũng khác nhau; qua nội dung đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ, Tòa án mới có căn cứ xác định thẩm quyền, điều kiện khởi kiện, thời hiệu khởi kiện… Chính vì vậy, mặc dù số lượng án tranh chấp mà cá nhân ông Long giải quyết chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số án thụ lý giải quyết hàng năm của đơn vị, nhưng không có vụ án nào bị hủy, án bị cải sửa rất thấp.

Trong quá trình giải quyết án, ông Long luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của người Thẩm phán, coi trọng việc nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án, lấy số lượng, chất lượng án của mình giải quyết làm động lực thúc đẩy công chức nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Theo ông Long: “để giải quyết các vụ án thấu tình, đạt lý, tránh bị rủi ro, người Thẩm phán luôn ý thức với chính mình là phải thật sự khách quan trong khi tiến hành tố tụng, thường xuyên nghiên cứu, cập nhập các văn bản pháp luật và hướng dẫn của Tòa án cấp trên, trao đổi học hỏi đồng nghiệp, tự rèn luyện cho mình kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, phương pháp điều khiển phiên tòa và áp dụng pháp luật”.

Ông Long chia sẻ, trong công tác hòa giải cần tìm hiểu kỹ mối quan hệ giữa các đương sự, nguyên nhân mâu thuẫn, tranh chấp, gặp gỡ riêng từng bên đương sự để phân tích yêu cầu, ý kiến của họ có phù hợp hay không phù hợp với pháp luât, với đạo đức xã hội; phải kiên trì hòa giải; bên cạnh đó, phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức xã hội, gia đình, tộc, họ…cùng tham gia hòa giải; nhờ đó đa số các vụ án tranh chấp, các bên đương sự tự nguyện thỏa thuận, một số rút yêu cầu khởi kiện, số án phải đưa ra xét xử rất thấp.

Với những thành công trên mọi mặt công tác, từ năm 2011 đến năm 2013 ông Long đã liên tục được công nhận danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”, được Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng “Bằng khen” năm 2011, được công nhận danh hiệu “Chiến sỹ thi đua Tòa án nhân dân và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tặng thưởng “Bằng khen” năm 2013; năm 2014, Thẩm phán – Chánh án Huỳnh Tấn Long được vinh danh là “Thẩm phán tiêu biểu” vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác xét xử và trong phong trào thi đua yêu nước.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thời điểm thực hiện quyền phản tố của bị đơn, những vướng mắc trong quá trình áp dụng.

1. Quy định của pháp luật: Theo quy định tại Điều 72 Bộ luật tố …

X