Tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em ở huyện Duy Xuyên. Nguyên nhân, hệ lụy và những giải pháp.

Thời gian gần dây, trên địa bàn cả nước nói chung và huyện Duy Xuyên nói riêng xảy ra khá nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ khiến dư luận phẫn nộ lên tiếng. Trên các trang mạng xã hội cũng như các kênh báo chí, truyền hình  các vụ án xâm hại trẻ em được chia sẻ và thông tin đến tất cả mọi người với mong muốn kẻ phạm tội phải được xử lý nhanh chóng và được trừng trị nghiêm khắc.

Nhìn chung, tình hình tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, vị thành niên diễn biến phức tạp, phương thức thủ đoạn ngày càng đa dạng, phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên nhưng trước hết phải kể đến đó là do tình hình phát triển công nghệ thông tin của xã hội đã du nhập lối sống thực dụng, sống vội sống thử và sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Thứ hai là do nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế. Trách nhiệm phối hợp quản lý giáo dục giữa cha mẹ, con cái và nhà trường chưa cao. Một số trường hợp nhận được sự bất hợp tác từ phía gia đình.

Theo thống kê của Tòa án nhân dân huyện Duy Xuyên, trong năm 2017, tòa án đã thụ lý, giải quyết, xét xử 06 vụ án về xâm hại tình dục chiếm tỷ lệ 10% trong tổng số án thụ lý giải quyết, tăng so với năm 2016 là 8%. Trong đó có 06 vụ là xâm hại tình dục trẻ em (02 vụ dâm ô trẻ em, 02 vụ giao cấu với trẻ em và 02 vụ hiếp dâm trẻ em). Các nạn nhân trong các vụ án đều là trẻ em nữ. Những con số này nói lên một thưc trạng đáng báo động của nạn xâm hại tình dục đối với trẻ em trên địa bàn huyện Duy Xuyên. Hầu hết các vụ án này, các bị cáo đều phải trả giá cho hành vi phạm tội của mình bằng những bản án nghiêm khắc với mức hình phạt từ 18 đến 42 tháng tù giam.

Đánh giá chung từ những vụ án xảy ra, nhận thấy rằng nguyên nhân cụ thể của những vụ án nêu trên là do sự nhận biết pháp luật và sự quản lý con cái của cha mẹ còn nhiều hạn chế thậm chí còn buông lỏng, bỏ mặc trong việc quản lý con cái. Hiện nay, đại bộ phận người dân đều đi làm công nhân tại các công ty, thời gian làm việc tại đó đã ảnh hưởng rất nhiều trong việc quản lý con cái. Khi các cháu còn nhỏ, ngoài giờ đi học về thì ở nhà một mình hoặc ở nhờ nhà ông bà, hàng xóm. Khả năng nhận biết và tự vệ của các cháu còn kém nên dễ phát sinh loại tội phạm này. Thứ hai, khi thời buổi thông tin di dộng và các trang mạng xã hội, kênh quảng cáo trên mạng điện thoại, luôn hiện ra những hình ảnh, những đoạn clip mang tính khiêu dâm luôn xuất hiện trên màn hình, kích thích sự tò mò của trẻ, đặc biệt trong độ tuổi vị thành niên đã gây không ít những vụ án đau lòng. Thứ ba, sự tuyên truyền giáo dục về giới tính trong nhà trường cũng chỉ dừng lại ở mức dộ môn học giáo dục công dân mà chưa đưa nội dung, chương trình cụ thể về giáo dục giới tính nam, nữ trong cộng động để các em có thẻ chủ động phòng và tránh.

Từ những nguyên nhân và thực trạng nói trên đã gây ra không ít hệ lụy cho xã hội, nhà trường và gia đình. Tâm lý của các em đặc biệt là các em gái bị ức chế nghiêm trọng, thường hoảng loạn và ít va chạm với những người xung quanh, phải mất một thời gian dài mới có thể trở lại sinh hoạt bình thường như những đứa trẻ khác. Bên cạnh đó cha mẹ cũng gặp không ít khó khăn trong việc hướng dẫn chăm sóc giáo dục con trong gia đoạn này chưa kể đến những trường hợp bé gái có thai, phải sinh con và nuôi thêm một thành viên mới trong gia đình. Những trường hợp này, thường thì nạn nhân bỏ dở việc học hành và bắt đầu với việc tìm kiếm mưu sinh để nuôi con hoặc tâm lý e ngại không đi học tiếp. Và mọi hệ lụy khác của xã hội lại phát sinh từ đây như cần tạo điều kiện tìm kiếm việc làm, trợ cấp xã hội, xử lý vi phạm….

Từ đó cho thấy rằng, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm với loại tội phạm này đang ngày càng phức tạp. Cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh các chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, trong đó có loại tội phạm này để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, đồng thời tuyên truyền trong nhân dân các phương thức thủ đoạn của người phạm tội để người dân và bản thân trẻ em nâng cao ý thức phòng ngừa. Hạn chế đến mức thấp nhất tội pạm xảy ra. Gia đình cần có sự hỗ trợ, tương tác với nhà trường và các đoàn thể trong việc chăm sóc, quản lý, giáo dục con cái nhằm nâng cao nhận thức và phát huy trách nhiệm của cộng đồng gia đình, nhà trường và xã hội.

Thẩm phán: Võ Thị Tám

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thời điểm thực hiện quyền phản tố của bị đơn, những vướng mắc trong quá trình áp dụng.

1. Quy định của pháp luật: Theo quy định tại Điều 72 Bộ luật tố …

X