NHỮNG VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XÁC ĐỊNH TÒA ÁN CÓ THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT VIỆC YÊU CÙA HỦY QUYẾT ĐỊNH CÁ BIỆT TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ

I. Quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 34 của BLTTDS năm 2015:“Thẩm quyền
của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc hủy
quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này được xác định theo quy định
tương ứng của Luật tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp
huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh”. Theo đó, tại khoản 4 Điều 32 Luật tố tụng
hành chính năm 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh: “Khiếu kiện
quyết Quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ
tịch UBND cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án”.
Theo giải đáp tại Phần II Giải đáp nghiệp vụ số 02/2016/GĐ-TANDTC
ngày 19/9/2016 của TANDTC thì: “Trường hợp việc xem xét hủy quyết định đó
dẫn đến thay đổi thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự xác định theo quy định
tương ứng của Luật tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp
tỉnh thì Tòa án nhân dân cấp huyện đang thụ lý giải quyết vụ việc dân sự phải
chuyển vụ việc cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết và xem xét hủy quyết
định đó.
Ví dụ 1: Ông A khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện X tỉnh Y yêu cầu Tòa
án giải quyết buộc ông B phải trả lại quyền sử dụng đất mà trước đó ông A cho
ông B mượn. Khi giải quyết vụ án, Tòa án nhân dân huyện X nhận thấy trong
thời gian mượn đất, ông B đã có hành vi gian dối làm thủ tục để được Ủy ban
nhân dân huyện X cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; để giải quyết yêu
cầu đòi lại quyền sử dụng đất của ông A thì phải xem xét hủy giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất đã cấp cho ông B và phải đưa Ủy ban nhân dân huyện X
tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp
này, thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự có xem xét việc hủy
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được xác định theo khoản 4 Điều 32 Luật tố
tụng hành chính. Do vậy, Tòa án nhân dân huyện X phải chuyển vụ án dân sự
nêu trên cho Tòa án nhân dân tỉnh Y giải quyết và xem xét hủy giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất.
Trường hợp khi giải quyết vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá
biệt nhưng không cần thiết phải hủy quyết định cá biệt đó và việc không hủy
quyết định đó vẫn đảm bảo giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự thì Tòa án đang
giải quyết vụ việc dân sự tiếp tục giải quyết.
Ví dụ 2: Ông A, bà B là các con của cụ D, cụ E khởi kiện tại Tòa án nhân
dân huyện X tỉnh Y yêu cầu Tòa án giải quyết chia thừa kế tài sản là quyền sử
dụng đất của cụ D, cụ E. Khi còn sống, cụ D và cụ E đã được Ủy ban nhân dân
huyện X cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp này, khi giải
quyết vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản không cần thiết phải xem xét hủy giấy
chứng nhận quyền sử đất đã cấp cho cụ D, cụ E nên Tòa án nhân dân huyện X
tiếp tục giải quyết vụ án.
II. Vướng mắc trên thực tiễn:

Theo hướng dẫn nói trên thì trong những vụ việc dân sự, đương sự có yêu
cầu hủy Quyết định cá biệt nhưng Tòa án nhân dân cấp huyện xét thấy không có
căn cứ, không cần thiết phải hủy quyết định cá biệt đó thì Tòa án cấp huyện vẫn
tiếp tục giải quyết vụ án. Trong những trường hợp này lại có những vướng mắc
khi áp dụng trên thực tế, cụ thể như sau:
Khi đương sự có yêu cầu hủy quyết định cá biệt thì Tòa án phải thụ lý và
xác định người tham gia tố tụng, Ủy ban nhân dân cấp huyện là người có quyền
lợi nghĩa vụ liên quan. Trong trường hợp này theo quy định của pháp luật thì
thẩm quyền giải quyết là của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Việc xem xét để chấp
nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của đương sự về việc hủy quyết đinh cá biệt
cần phải trải qua một quá trình tố tụng, phải được tranh tụng tại phiên tòa và Hội
đồng xét xử mới là người quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận tại phòng
nghị án. Nếu Tòa án nhân dân cấp huyện tiếp tục giải quyết vụ án thì việc giải
quyết này có đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành
chính về thẩm quyền hay không? Trong trường hợp xét thấy không cần thiết
phải hủy quyết định cá biệt nhưng Tòa án nhân dân cấp huyện không có thẩm
quyền giải quyết vụ án lại ban hành bản án với nội dung không chấp nhận hủy
quyết định cá biệt theo yêu cầu của đương sự liệu có đúng quy định của pháp
luật không?
Liên quan đến vấn đề xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc
dân sự có yêu cầu hủy quyết định cá biệt, tại Công văn số 70/VKSTC-V14 ngày
05/01/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải đáp vướng mắc trong việc
áp dụng Bộ luật tố tụng dân sự hướng dẫn: “Trong vụ việc dân sự có yêu cầu
hủy quyết định cá biệt của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện thì căn
cứ vào quy định của Luật tố tụng hành chính, thì Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền
giải quyết vụ án”. Như vậy, quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối
với vụ việc dân sự có yêu cầu hủy quyết định cá biệt của UBND cấp huyện, Chủ
tịch UBND cấp huyện, thì thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh. Hướng dẫn
này cho thấy, việc xác định thẩm quyền được tính từ thời điểm đương sự có yêu
cầu hủy quyết định cá biệt, chứ không bắt buộc Tòa án cấp huyện phải làm rõ
quyết định cá biệt đó rõ ràng trái pháp luật thì vụ việc dân sự đó mới thuộc thẩm
quyền của Tòa án cấp tỉnh, nếu không trái pháp luật thì thuộc thẩm quyền của
Tòa án cấp huyện. Từ hướng dẫn trên của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho
thấy rõ sự mâu thuẫn về quan điểm của hai cơ quan tố tụng đối với việc xác định
thẩm quyền của Tòa án nên trên thực tế. Trong trường hợp Tòa án cấp huyện đã
thụ lý vụ việc dân sự mà phát sinh yêu cầu hủy quyết định cá biệt không thuộc
thẩm quyền của Tòa án cấp huyện, thì Tòa án cấp huyện phải chuyển hồ sơ vụ
án lên Tòa án cấp tỉnh giải quyết. Quan điểm này phù hợp với quy định của Bộ
luật tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính.
Còn có quan điểm cho rằng trong vụ việc dân sự có phát sinh yêu cầu hủy
quyết định cá biệt, nếu xét thấy không cần thiết phải hủy quyết định đó thì Tòa
án cấp huyện không cần thiết phải đưa Ủy ban nhân dân cấp huyện vào tham gia
tố tụng mà chỉ cần xem xét, nhận định không chấp nhận yêu cầu của đương sự.

Người viết không thống nhất với quan điểm này vì lý do: Muốn chấp nhận hoặc
không chấp nhận một yêu cầu của đương sự cần phải xem xét ý kiến của tất cả
các bên đương sự, thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ của các bên mới có thể
đánh giá chứng cứ đúng và toàn diện từ đó mới đưa ra quyết định đúng đắn. Nếu
không đưa UBND cấp huyện vào tham gia tố tụng là đã vi phạm khoản 3 Điều
34 Bộ luật tố tụng dân sự.
Từ những vướng mắc nêu trên đã thật sự gây lúng túng cho tòa án cấp
huyện trong việc giải quyết vụ án dân sự có phát sinh yêu cầu hủy quyết định cá
biệt. Mong ý kiến thảo luận, trao đổi của bạn đọc để người viết có cái nhìn tổng
quan và sáng tỏ vấn đề hơn.
Người viết: Võ Thị Minh Phượng – Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện
Duy Xuyên.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thời điểm thực hiện quyền phản tố của bị đơn, những vướng mắc trong quá trình áp dụng.

1. Quy định của pháp luật: Theo quy định tại Điều 72 Bộ luật tố …

X