Những bất cập trong việc xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật theo Khoản 1, Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015

Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015), đánh dấu một bước tiến mới trong kỹ thuật lập pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập cũng như phù hợp với tình hình thực tiễn của nước ta. Tuy nhiên khi áp dụng BLHS năm 2015 vào thực tiễn thì gặp nhiều vướng mắc, bất cập, trong đó có bất cập khi áp dụng Điểm b, Khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015 đối với người dưới 18 tuổi. Trường hợp sau đây là một ví dụ, tôi xin nêu ở đây để các đồng nghiệp cùng tham khảo.

Vào ngày 22/12/2018, Võ Văn N. H (sinh ngày 24/9/2001) vào các nhà dân cùng thôn để trộm cắp 06 con gà, khi mang đi tiêu thụ thì bị bắt giữ. Tại bản kết luận định giá tài sản số 02/KLĐG-HĐ ĐGTS ngày 07/01/2019 của Hội đồng định giá tài sản huyện DX đã xác định giá trị 06 con gà vào thời điểm bị chiếm đoạt là: 682.000 đ (Sáu trăm tám mươi hai ngàn đồng).

Quá trình điều tra xác định trước đó vào ngày 24/10/2018, Võ Văn N. H bị Tòa án nhân dân huyện DX kết án, xử phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Trộm cắp tài sản” theo Điểm a Khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015 (Bản án số 44 ngày 24/10/2018), đến khi bị bắt giữ về hành vi trộm cắp 6 con gà thì Võ Văn N. H đang chấp hành án về hình phạt nêu trên. Và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội…).

Giải quyết vụ việc này tại địa phương, hiện có hai quan điểm không thống nhất:

Quan điểm thứ nhất: Bản án số 44 ngày 24/10/2018 của Tòa án nhân dân huyện DX xử phạt bị cáo Võ Văn N. H 12 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Trộm cắp tài sản” theo Điểm a Khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015 là tội phạm ít nghiêm trọng. Thời điểm kết tội bị cáo là 16 tuổi, 8 tháng 17 ngày, thuộc lứa tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nên theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 107 BLHS năm 2015 bị cáo được coi là không có án tích. Do vậy, Nguyễn Văn N. H thực hiện hành vi trộm cắp 6 con gà có giá trị 682.000 đồng vào ngày 22/12/2018 không cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” theo điểm b khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015.

Quan điểm thứ hai: Đây cũng là quan điểm của tác giả. Theo hướng dẫn tại tiểu mục 7.1, mục 7 của Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12 tháng 5 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự, thì đối với điều luật quy định một tội (tội đơn) thì “đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” là trước đó một người đã bị kết án về một tội, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện một trong những hành vi được liệt kê trong tội đó. Vì vậy, trong trường hợp này, Võ Văn N. H đã bị kết án 12 tháng cải tạo không giam giữ, đang trong thời gian chấp hành án thì ngày 22/12/2018 tiếp tục thực hiện hành vi trộm cắp tài sản có giá trị 682.000đ (Sáu trăm tám mươi hai ngàn đồng), nên Võ Văn N. H phạm tội trộm cắp tài sản theo điểm b khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015. Ở đây vấn đề xóa án tích sẽ không được đặt ra vì Võ Văn N. H chưa chấp hành xong hình phạt chính. Căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 107 BLHS năm 2015, thì Võ Văn N. H khi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng thuộc lứa tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nên coi là không có án tích khi chấp hành xong hình phạt chính nhưng điều đó không có nghĩa là Võ Văn N. H không bị kết án. Trường hợp này bị cáo vẫn phải chịu hình phạt và đang chấp hành hình phạt nên vẫn xem xét để tổng hợp hình phạt khi phạm tội mới.

Thông qua ví dụ nêu trên, chúng tôi thấy rằng có sự không công bằng, bất bình đẳng trước pháp luật đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi vi phạm pháp luật cùng loại nhưng tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi có sự khác nhau, cụ thể như sau:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015 thì người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản, chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính[1] mà thực hiện hành vi trộm cắp tài sản của người khác trị giá dưới 2.000.000 thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã bị kết án về tội trộm cắp tài sản hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của BLHS năm 2015 nhưng thuộc trường hợp tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, sau khi chấp hành xong hình phạt chính[2] thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Từ sự phân tích như trên, chúng tôi đề xuất kiến nghị xem xét, sửa đổi Điều 137 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 theo hướng “Biện pháp xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp xử lý hành chính được áp dụng đối với người chưa đủ 18 tuổi vi phạm pháp luật được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, để tạo sự thống nhất, hạn chế chồng chéo giữa Luật xử lý vi phạm hành chính và Bộ luật Hình sự năm 2015./.

  Võ Thị Tám

TAND huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam

 

 

[1] Theo quy định tại Khoản 1 Điều 137 Luật Xử phạt vi phạm hành chính năm 2012 thì “Người chưa thành niên được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm”.

[2] Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 107 BLHS năm 2015 thì người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được coi là không có án tích nếu bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

NHỮNG VƯỚNG MẮC TRONG QUÁ TRÌNH XÉT XỬ TỘI “TỔ CHỨC SỬ DỤNG TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY” TRÊN THỰC TIỄN

1. Nguyên tắc chung trong việc xử lý các loại tội phạm về ma túy: …

X